Giá trị nổi bật của Thành Nhà Hồ Thanh Hóa

Ra đời hơn 6 thế kỷ, Thành Nhà Hồ đã khẳng định giá trị lịch sử của mình; minh chứng sống cho điều đó là được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới năm 2011. Đây là niềm tự hào cho người dân xứ Thanh nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung. Sau hơn 10 năm được công nhận, đến nay giá trị nổi bật của Thành Nhà Hồ Thanh Hóa vẫn giữ nguyên và được bảo tồn, phát huy.  Cùng thanhhoaplus.net tìm hiểu giá trị nổi bật của Thành Nhà Hồ Thanh Hóa bạn nhé!

Giá trị nổi bật của Thành Nhà Hồ

Sau nhiều năm xây dựng hồ sơ, qua nghiên cứu lịch sử thành Nhà Hồ Thanh Hóa dấu mốc ngày 27/06/2011 khi Thành Nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới là niềm tự hào cho dân tộc Việt Nam. Thành Nhà Hồ Thanh Hóa hội tụ đủ 2/10 tiêu chí theo quy định của UNESCO, đáp ứng được giá trị nổi bật toàn cầu của di sản, thỏa mãn tính vẹn toàn theo Tài liệu hướng dẫn của Công ước Di sản Thế giới năm 2008 và tính xác thực trong Tuyên bố Nara.

le cong nha di thanh nha ho
Ảnh: Thành Nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới

Thành Nhà Hồ ảnh hưởng từ Nho giáo Trung Hoa về biểu tượng vương quyền thời kỳ cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV. Thành được xây dựng với những bước phát triển trong lối kiến trúc riêng biệt, thể hiện phương diện kỹ thuật và quy hoạch đô thị. Việc tận dụng được triệt để điều kiện thiên nhiên và đưa thêm vào công trình các cảnh quan đô thị giúp Thành Nhà Hồ có sự độc đáo có một không hai trên Thế giới.

 Về tư tưởng

Thành Nhà Hồ Thanh Hóa được xây dựng trong vùng đồng bằng, bao bọc xung quanh bởi nhiều dãy núi đá và hai con sông là sông Mã và sông Bưởi. Kiến trúc không gian và bố cục của thành thể hiện được rõ sự tiếp thu tư tưởng Nho giáo của Hồ Quý Ly, coi kinh đô là biểu tượng của vương quyền theo tư tưởng thiên mệnh. Thời kỳ xây dựng Thành Nhà Hồ thì tư tưởng này đều có ở mọi vương triều phương Đông nhưng riêng triều đại nhà Hồ thì thể hiện triệt để hơn hết.

Quần thể kiến trúc Thành Nhà Hồ

Quần thể kiến trúc Thành Nhà Hồ là ví dụ nổi bật về sự phát triển rực rỡ của Tân Nho giáo cuối thế kỷ XIV tại Việt Nam. Có thể nói Tân Nho giáo lúc này là triết lý có tầm ảnh hưởng trong trong việc cai trị khu vực. Thành Nhà Hồ xây dựng bằng những khối đá lớn cho thấy sức mạnh tổ chức của một nhà nước, sự giao lưu kỹ thuật xây dựng khu  vực Đông Nam Á và sự thay đổi hướng trục đã làm nên một công trình kiến trúc khác biệt so với chuẩn mực Trung Hoa. 

Việc lựa chọn vị trí 

Vị trí đặt kinh đô đặt tại huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa cho thấy sự hiểu biết sâu sắc về vùng đất này của Hồ Quý Ly. Thành được xây dựng dựa vào việc vận dụng khéo léo các yếu tố về cảnh quan thiên nhiên theo quan niệm của dịch lý và phong thủy phương Đông. Điều này giúp Thành Nhà Hồ trở thành ví dụ điển hình của một kinh đô với lối phong cách kiến trúc Đông Á nổi bật. 

Về kỹ thuật xây dựng

Kiến trúc Thành Nhà Hồ là thành quả của sự kết hợp và sáng tạo các truyền thống xây dựng từ Đông Á, Đông Nam Á đến Việt Nam. Kỹ thuật dùng các khối đá lớn chính là kết tinh của trí tuệ và kinh nghiệm không chỉ của riêng một nền văn hóa nào, đây cũng là bước đột phá trong công nghiệp xây dựng thời đó mà đến giờ vẫn chưa thể có một lời giải thích thỏa mãn. 

da thanh nha ho
Ảnh: Kỹ thuật dùng các khối đá lớn chính là kết tinh của trí tuệ và kinh nghiệm

Điểm nổi bật của Thành Nhà Hồ là có 4 cánh cửa thành và 4 bức tường được ghép từ những tảng đá lớn chắc chắn, uy nghi. Các khối đá để xây dựng thành có kích thước trung bình là 2,2 x 1,5 x 1,2m, có những khối đá nặng tới 26,7 tấn. Thật không ngoa khi nói Thành Nhà Hồ Thanh Hóa là thành tựu kỹ thuật xây dựng đá lớn chưa có một kinh thành nào có được.

Việc gia công những tảng đá được tính toán tiết kiệm, hợp lý và đạt hiệu quả kỹ thuật tối đa. Những khối đá xây vòm cuốn được làm nhẵn nhiều mặt, còn với đá xây tường thành thì gia công nhẵn mặt đá rồi ráp lại với nhau. Thật khó có thể giải thích được với những kỹ thuật thủ công chưa máy móc hiện đại như bây giờ thì làm sao con người có thể tạo ra một công trình xuất sắc như vậy.

Nhà nước và nhân dân cùng bảo vệ di sản

Để bảo tồn và phát huy giá trị nổi bật của Thành Nhà Hồ Thanh Hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 3034/QĐ-UBND năm 2017 về quy chế quản lý, bảo vệ giá trị Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ. Theo đó, Thành Nhà Hồ được nâng lên với mức quy hoạch là 5.200 ha; trong đó diện tích khu vực bảo tồn đặc biệt là 155 ha, bao gồm Thành Nội, La Thành và Đàn tế Nam Giao; vùng đệm được trải dài trên địa bàn 9 xã, thị trấn và vùng không gian cảnh quan Ly cung thuộc huyện Hà Trung (Thanh Hóa). 

Thành Nhà Hồ được nâng lên với mức quy hoạch là 5.200 ha năm 2017

Kế hoạch quản lý di sản Thành Nhà Hồ được xây dựng và ban hành, từ đó đưa ra những chiến lược bảo vệ và phát huy giá trị di sản, tạo ra khuôn khổ đảm bảo quản lý một cách hiệu quả và toàn diện, đáp ứng được các yêu cầu mà UNESCO đưa ra. Bên cạnh đó, các hoạt động giải trí được đề cập tới nhằm giải quyết vấn đề bảo tồn, bảo vệ cảnh quan tự nhiên và văn hóa,… Với tầm nhìn dài hạn khoảng 30 năm sau, kế hoạch quản lý đặt ra nhiều hoạt động cụ thể nhằm từng bước đạt được mục tiêu đề ra trong từng giai đoạn.

Bên cạnh công tác quản lý thì việc bảo tồn, tôn tạo di tích cũng được chú trọng. Đơn cử như hoạt động nâng cấp các kiến trúc, di vật đã phát lộ qua khai quật, đồng thời đầu tư các công trình phụ trợ để mở cửa đón khách tham quan du lịch. Một số hạng mục được đưa ra để bảo tồn di tích Thành Nhà Hồ như: chống sụt lở, chống xuống cấp nền Đàn tế Nam Giao, móng tường đàn, bậc thang lên xuống và đường đi, xây dựng hệ thống thoát nước,… Dự án tu sửa cấp thiết tường thành đá phía Đông Bắc của Thành Nhà Hồ bị xuống cấp do mưa bão năm 2017 nhằm bảo tồn và phát huy giá trị nổi bật của Thành Nhà Hồ Thanh Hóa. 

Giá trị di sản ghi dấu ấn sâu đậm vào lòng người

Cùng với việc đầu tư nghiên cứu khảo cổ thì quảng bá giá trị nổi bật của Thành Nhà Hồ Thanh Hóa cũng là một nhiệm vụ thiết yếu. Sau khi được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới thì Thành Nhà Hồ đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách khắp nơi không chỉ trong mà cả ngoài nước. Số lượng khách tham quan từ vài nghìn lượt mỗi năm đến nay đã tăng lên gấp trăm lần, điều này tạo tiền đề và động lực để tỉnh Thanh Hóa phát huy hơn nữa công tác quảng bá hình ảnh và giá trị của khu di tích tới bạn bè trong nước và quốc tế trong thời gian tới. 

thanh nha ho
Ảnh: Giá trị di sản ghi dấu ấn sâu đậm vào lòng người

“Ngoài chuyên môn của các cấp, các ngành thì hình ảnh Thành Nhà Hồ được nhiều người biết đến cũng nhờ một phần lớn vai trò của người dân” – Đại diện lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ chia sẻ. Một số con em địa phương được khuyến khích theo học các chuyên ngành về văn hóa, du lịch để trở về phát triển văn hóa quê hương.

Việc phát triển du lịch Thành Nhà Hồ tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương. Các cơ sở sản xuất kinh doanh của người địa phương được phát triển bao gồm các cơ sở sản xuất đặc sản địa phương, các xưởng bán đồ thủ công, các nhà hàng, khách sạn,… Hiện tại, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ còn tạo điều kiện về mặt bằng, cơ sở, trang thiết bị cho các hộ dân kinh doanh, buôn bán phục vụ du khách đến với Thành Nhà Hồ.

Trên đây thanhhoaplus.net đã thông tin  tất tần tật về giá trị nổi bật của Thành Nhà Hồ Thanh Hóa. Đừng bỏ lỡ cơ hội thăm thú công trình kiến trúc độc đáo mang tầm quốc tế của đất nước Đại Ngu xưa khi đến với mảnh đất xứ Thanh nhé. 

Biên Thùy TT

Tuan Nguyen

Người chia sẻ các thông tin về nội thất, xây dựng và nhiều thông tin khác

Tuan Nguyen has 123 posts and counting. See all posts by Tuan Nguyen